Mắt giả 4.800 năm tuổi thay đổi nhận thức nhân loại

Một con mắt giả được chế tác tinh xảo có niên đại vào thời đồ đá, khiến giới khoa học chấn động. 

Theo trang ‘Ancient Origins’, con mắt giả này được tìm thấy trong hài cốt của một phụ nữ chôn cất tại Shahr-e Sukhteh, nơi mà người dân gọi là “Thành phố Bùng cháy”, thuộc  miền Nam Iran ngày nay. Được biết thành phố này vốn là một nơi vô cùng thịnh vượng, nhưng đã bị bỏ hoang từ năm 2350 trước Công Nguyên vì một vụ hỏa hoạn.

mắt giả
Con mắt giả được tìm thấy trong hài cốt của một phụ nữ. (Ảnh: larazzodeltempo)

Về những đặc điểm khác của bộ xương bí ẩn này, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: Người phụ nữ có con mắt giả còn rất trẻ khi qua đời, chỉ khoảng 25-30 tuổi, cao 1m80, trong mộ có rất nhiều đồ tùy táng xung quanh.

Cô đã qua đời khoảng năm 2800-2900 trước Công nguyên, tức 4.800 đến 4.900 năm trước. Đây là một phát hiện gây sốc bởi mắt giả thường chỉ được đề cập đến ở châu Âu từ khoảng thế kỷ thứ 16, khó lòng tưởng tượng nó đã hiện diện từ thế giới cổ xưa hàng nghìn năm, nơi phần còn lại của thế giới đa phần vẫn còn chìm trong thời đại đồ đá.

Con mắt giả có hình bán cầu 3cm, theo trưởng nhóm khai quật, xét về trọng lượng riêng của vật thể này, có vẻ như nguyên liệu chính được sử dụng được tạo thành từ nhựa đường tự nhiên trộn với mỡ động vật. Vật liệu làm mắt này giúp dưỡng ẩm hốc mắt; đủ vừa vặn để ngăn các mảnh vụn lạ xâm nhập, chống nhiễm trùng và ngăn mô trong hốc mắt không phát triển quá mức.

Những rãnh li ti trên con mắt giả gắn dây vàng nhằm mô tả những mao mạch, có bề rộng chưa tới nửa mm. 2 lỗ để gắn chốt vàng cũng được tìm thấy hai bên cầu mắt. Dây và chốt vàng này sẽ giúp mắt được giữ cố định một cách nhẹ nhàng và có thể đảo hướng nhẹ trong hốc mắt như mắt thật.

Các cuộc khai quật ở “Thành phố Bùng cháy” cũng tìm thấy những cổ vật kinh ngạc khác như: đồ tạo tác bằng đá cẩm thạch, bàn xúc xắc cổ, và cả những thứ liên quan đến y học như một chiếc đầu lâu dùng làm dụng cụ dạy phẫu thuật não cổ đại.

Tử Vi (t/h)

Viết một bình luận