Bí ẩn xác tàu đắm cổ xưa nhất nước Anh còn nguyên thân gỗ

Xác tàu ở Dorset làm từ gỗ của những cây sồi Ireland bị đốn hạ khoảng năm 1242 – 1265, bị đắm trên đường vận chuyển đá cẩm thạch.

Những tấm gỗ của thân tàu. Ảnh: Đại học Bournemouth/Historic England
Những tấm gỗ của thân tàu. Ảnh: Đại học Bournemouth/Historic England

Xác tàu đắm lâu đời nhất còn tồn tại ở vùng biển Anh, có niên đại từ thế kỷ 13, được chính phủ nước này xếp loại bảo vệ ở mức cao nhất, Guardian hôm 20/7 đưa tin. Con tàu chở hàng do thợ lặn địa phương phát hiện tại vịnh Poole, hạt Dorset, năm 2020, sau khi bão khuấy động vùng đáy biển gần một tuyến đường thủy nhộn nhịp.

Cuộc khai quật giúp hé lộ phần gỗ được bảo quản đặc biệt tốt của một bên thân tàu. Hàng hóa mà con tàu mang theo đã đè lên và bảo vệ phần gỗ này. Hàng hóa bao gồm những phiến đá cẩm thạch Purbeck, cả loại đã chạm khắc lẫn chưa chạm khắc.

Các nhà khảo cổ xác định con tàu làm từ gỗ sồi Ireland. Quá trình phân tích vòng tuổi của cây hé lộ, những cây này bị đốn hạ khoảng năm 1242 – 1265, dưới triều đại vua Henry III.

Dù các nhà khoa học từng xác định được vị trí của một số xác tàu đắm từ thời Đồ Đồng nhờ hàng hóa còn sót lại, nhưng phần thân gỗ của chúng đã biến mất từ lâu. Do đó, xác tàu ở Dorset trở thành xác tàu lâu đời nhất tại Anh vẫn còn thân. Trước phát hiện này, không có xác tàu nào được tìm thấy ở vùng biển Anh từ thế kỷ 11 – 14.

“Đây là một phát hiện thực sự rất quan trọng. Một con tàu chất đầy hàng hóa đang trên đường tới đâu đó. Đó là một ‘hộp thời gian’ và chúng ta có thể học được rất nhiều điều”, Hefin Meara, nhà khảo cổ biển tại tổ chức Historic England, cho biết.

Thợ lặn kiểm tra một trong những phiến đá cẩm thạch xây mộ mà con tàu đang chở. Ảnh: Đại học Bournemouth/Historic England
Thợ lặn kiểm tra một trong những phiến đá cẩm thạch xây mộ mà con tàu đang chở. Ảnh: Đại học Bournemouth/Historic England

Hai phiến đá xây mộ được chạm khắc tương tự như những phiến đá trong các nhà thờ vào thời kỳ đó, nhưng khác ở chỗ chúng vẫn còn nguyên sơ với những vết đục đẽo có thể nhìn rõ. Mỗi phiến đá được trang trí bằng một kiểu thánh giá mà từ trước đến nay, các nhà khảo cổ vẫn cho rằng chúng thuộc những thời kỳ khác nhau.

“Phát hiện mới cho thấy những thiết kế này thực chất được sử dụng cùng thời. Câu hỏi đặt ra là chúng được làm theo yêu cầu riêng hay chỉ làm theo phỏng đoán rồi gửi đi nhiều nơi?”, Meara nói.

“Đây là bằng chứng của ngành công nghiệp. Người xưa khai thác đá, chạm khắc rồi hoàn thiện. Đây là những sản phẩm được ưa chuộng và xuất khẩu đi khắp nơi, từ vùng ven biển nước Anh đến Ireland và đại lục châu Âu. Điều này cho thấy một điểm thú vị là không chỉ phiến đá được ưa chuộng mà kỹ năng của nghệ nhân địa phương cũng vậy”, Meara bổ sung.

Theo Guardian

Viết một bình luận