Lâu đài 3.000 năm tuổi dưới đáy hồ Van – Dấu vết nền văn minh huy hoàng từng bị hủy diệt?

Sau một thập kỷ tìm kiếm tại hồ nước lớn thứ hai Trung Đông, người ta đã phát hiện tàn tích của một vương quốc thất lạc ở độ sâu hàng trăm mét so với mặt nước.

Những người thợ lặn khám phá hồ Van phát hiện một bức tường được bảo quản khá tốt của một lâu đài, được cho là do nền văn minh Urartu xây dựng. (Ảnh: dailymail.co.uk)

Hàng thế kỷ qua, người dân quanh hồ Van, một hồ nước mặn ở Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn luôn cho rằng có “thứ gì đó” đang ẩn nấp bên dưới đáy hồ. Thậm chí, từng có những câu chuyện về một con quái thú đang trú ngụ tại đây… Một nhóm nhà khảo cổ vừa khám phá ra rằng những lời truyền miệng này hoàn toàn có cơ sở.

Trong quá trình khảo sát, những thợ lặn đến từ Đại học Van Yüzüncü Yıl đã thực sự tìm thấy thứ gì đó, nhưng không phải quái vật, mà là tàn tích của một lâu đài khổng lồ được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ VI TCN.

Khu di tích trải dài khoảng 1km nằm ở độ sâu khoảng vài trăm mét dưới đáy hồ. Độ kiềm của nước là điều kiện tuyệt vời để bảo quản các bức tường nơi đây. Một số bức tường cao đến 4m. Tuy nhiên người ta không biết chắc chiều cao thực sự của chúng. Phần lớn cấu trúc bị chôn vùi trong bùn đất, các nhà nghiên cứu tin rằng đây có thể là một công trình còn to lớn hơn.

Các nhà nghiên cứu tin rằng lâu đài này là di tích thời kỳ đồ sắt (Iron Age) của nền văn minh bí ẩn Urartu đã thất lạc, cũng được gọi là Vương quốc Van, một vương quốc thịnh vượng trong khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 6 TCN.

Cách đây 3.000 năm, mực nước ở hồ Van thấp hơn nhiều, và người Urartu đã định cư tại đây, các thành phố với cung điện và đền thờ của họ được lấy cảm hứng từ lối kiến trúc của người Assyria với các chi tiết trang hoàng lộng lẫy.

Một số phần của tòa lâu đài xuất hiện rải rác quanh bờ hồ trong nhiều năm qua. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy pháo đài có dòng chữ được khắc theo lệnh vua Darius, cha của Xerxes Đại Đế.

Quang cảnh hồ Van tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Bradt Travel Guides)

Việc tòa lâu đài dưới nước được phát hiện nói lên rằng khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng vào thời điểm đó. Có lẽ đây là thủ đô của đế chế Urartu bị thất lạc.

Đế chế Urartu trải dài từ đông nam Biển Đen cho đến phía tây nam của Biển Caspian, hiện thuộc lãnh thổ của Armenia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Đế chế này được hình thành sau sự sụp đổ của đế chế Hittite.

Urartu là một trong những vương quốc đầu tiên của Armenia. Ước tính thời kỳ cực thịnh của quốc gia này là vào thế kỷ IX-VII TCN. Ngôn ngữ được họ sử dụng giống với tiếng Hurrian.

Nằm gần vương quốc Assyria, do đó kể từ năm 1275 TCN, nền văn minh phía bắc Lưỡng Hà này đã có những tác động mạnh mẽ về tư tưởng, văn chương và khoa học kỹ thuật đối với Urartu.

Những bức tường kiên cố của lâu đài (Ảnh: sciencealert)

Tahsin Ceylan, một chuyên gia nhiếp ảnh – ghi hình dưới nước nói với tờ Hurriyet Daily News rằng:

“Có nhiều nền văn minh và con người từ sinh sống quanh hồ Van. Họ đặt tên cho hồ nước mặn này là ‘cao hơn biển’ (upper sea) và tin rằng nó ẩn chứa nhiều điều huyền bí. Cũng với niềm tin đó, chúng tôi đang làm việc để khám phá những bí mật tại đây”. Ông cũng nói thêm rằng hồ Van đã có lịch sử khoảng 600.000 năm.

Nhóm các nhà nghiên cứu chưa thể xác định những bức tường đã chìm sâu dưới lớp trầm tích của đáy hồ như thế nào, và công việc nghiên cứu dưới đáy hồ Lake Van sẽ cần phải tìm hiểu thêm cả về cấu trúc của nó, hy vọng đã từng có người sống trong đó.

Đầu năm nay nhóm nghiên cứu thông báo về việc phát hiện ra chiếc tàu biển của Nga, chiếc tàu mà được tin là chìm vào năm 1948 (Ảnh minh họa)

Ceylan nói: “Việc tìm thấy lâu đài dưới nước này quả là một phép màu. Các nhà khảo cổ học sẽ tới đây khảo sát lịch sử của lâu đài và cung cấp thông tin về nó. Chúng tôi đã tìm ra vị trí chính xác của nó và chụp lại, việc nghiên cứu đã có tiến triển. Giờ chúng tôi tin rằng chúng tôi đã khám phá ra một vùng đất mới để các nhà khảo cổ và các nhà lịch sử có thể nghiên cứu”.

Hoàng An

Viết một bình luận