Lý giải được bí ẩn phía sau thác nước màu đỏ máu ở Nam Cực sau 112 năm

Một nghiên cứu mới đây đã giải đáp được hiện tượng vì sao nước đang trong vắt bỗng nhiên chuyển sang màu đỏ ở Thác máu tại Nam Cực.

Một thác nước màu đỏ tươi không phải là thứ bạn mong muốn nhìn thấy trên khung cảnh băng giá của Nam Cực, nhưng đó chính xác là thứ đã và đang tuôn ra từ chân thềm băng Taylor.

Cảnh tượng kỳ lạ và có vẻ ghê rợn này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1911 bởi nhà địa chất học Thomas Griffith Taylor, người cho rằng hiện tượng này được gây ra bởi tảo đỏ.

Mãi nửa thế kỷ sau, màu đỏ thẫm này mới được xác định là do muối sắt gây ra. Đáng chú ý, hiện tượng này cũng cực kỳ thú vị khi nước ban đầu ở dạng trong vắt nhưng lại chuyển sang màu đỏ ngay sau khi nổi lên từ băng, do sắt bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí lần đầu tiên sau hàng thiên niên kỷ.

Đã giải đáp hoàn toàn được bí ẩn phía sau thác nước màu đỏ máu ở Nam Cực sau 112 năm - Ảnh 1.
Thác máu ở Nam Cực, nơi các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân tại sao nước lại có màu đỏ như vậy.

Giờ đây, một nghiên cứu mới đã kiểm tra các mẫu nước và phát hiện ra rằng sắt xuất hiện ở hình dạng bất ngờ. Về mặt kỹ thuật, nó không phải là một khoáng chất – thay vào đó, nó có dạng hình cầu nano, nhỏ hơn 100 lần so với tế bào hồng cầu của con người.

“Ngay khi tôi nhìn vào các hình ảnh hiển vi, tôi nhận thấy rằng có những ống nano nhỏ này và chúng rất giàu sắt, và chúng có rất nhiều nguyên tố khác nhau bên trong sắt – silicon, canxi, nhôm, natri – và tất cả chúng đều đa dạng ,” Ken Livi, một tác giả của nghiên cứu cho biết.

“Để trở thành một khoáng chất, các nguyên tử phải được sắp xếp theo một cấu trúc tinh thể rất cụ thể. Những hạt cầu nano này không phải là tinh thể, vì vậy các phương pháp được sử dụng trước đây để kiểm tra chất rắn không phát hiện ra chúng.”

Đáng chú ý, phát hiện mới nhất này có ý nghĩa vượt ra ngoài Nam Cực và thậm chí ngoài Trái đất.

Chỉ vài năm trước, các nhà khoa học đã tìm cách truy tìm nguồn gốc của nước ở Thác máu – một hồ dưới băng cực kỳ mặn dưới áp suất cao, không có ánh sáng hoặc oxy và một hệ sinh thái vi sinh vật vẫn bị cô lập trong hàng triệu năm.

Điều này gợi ý rằng, sự sống có thể tồn tại trên các hành tinh khác trong điều kiện khắc nghiệt tương tự, nhưng chúng ta có thể không gửi đúng loại thiết bị để phát hiện ra nó.

“Nghiên cứu của chúng tôi hé lộ rằng, các phân tích được thực hiện bởi phương tiện tự hành là không đầy đủ trong việc xác định bản chất thực sự của vật liệu môi trường trên bề mặt hành tinh khác”, ông Livi cho biết.

“Điều này đặc biệt đúng đối với các hành tinh lạnh hơn như sao Hỏa, nơi các vật liệu hình thành có thể ở kích thước nano và không kết tinh. Để thực sự hiểu được bản chất của bề mặt các hành tinh đất đá, cần phải có kính hiển vi điện tử, nhưng hiện tại việc đặt một thiết bị như vậy trên sao Hỏa là không khả thi.”

Tham khảo News Atlas

Viết một bình luận