Rùng mình danh tính sát thủ hàng loạt cổ xưa nhất Trái Đất – 550 triệu tuổi

Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra nguyên nhân khiến loài người hiện đại phải giật mình về cuộc đại tuyệt chủng kỷ Ediacara, vốn quét sạch tới 80% động vật trên Trái Đất.

Cuộc đại tuyệt chủng kỷ Ediacara là cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên trên địa cầu. Sau đó Trái Đất tiếp tục phải hứng chịu 4 lần đại tuyệt chủng nữa xen lẫn những vụ tuyệt chủng hàng loạt cấp độ thấp hơn. Hiện nay, các bằng chứng khoa học cho thấy hành tinh đang có dấu hiệu bước vào cuộc đại tuyệt chủng thứ 6.

Vì vậy, tìm ra cái gì đã gây ra “thảm sát” hàng loạt đối với các lớp sinh vật cổ xưa cũng giúp nhân loại hiểu được mình đang phải đối diện với cái gì.

Rùng mình “danh tính” sát thủ hàng loạt cổ xưa nhất Trái Đất - 550 triệu tuổi - Ảnh 1.
Một hóa thạch kỷ Ediacara được khai quật từ Công viên Quốc gia Nipena Ediacara ở Nam Úc – Ảnh: Scott Evans

Theo SciTech Daily, nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Scott Evans Đại học Khoa học công nghệ Virginia và Viện Agouron (Mỹ) cho thấy một vụ sụt giảm oxy thảm khốc đã giết chết 80% sinh vật Trái Đất vào cuối kỷ Ediacara – khoảng 550 triệu năm về trước.

Trước đó, kỷ Ediacara (từ 635 triệu đến 540 triệu năm về trước) đã đem đến cho Trái Đất luồng sinh khí mới với một lớp động thực vật đa dạng và kỳ lạ, đặt nền móng cho các cuộc bùng nổ sinh học sau này.

Câu hỏi lớn là cái gì đã gây ra sự sụt giảm oxy? Bài công bố trên tạp chí khoa học PNAS đưa ra một cụm từ quen thuộc và đáng sợ: Biến đổi khí hậu.

Cụ thể hơn, đó là sự nóng lên toàn cầu gây ra hiện tượng “khử oxy”. Ý tưởng này nhen nhóm trong các nhà khoa học khi họ phát hiện rằng trong thế giới hiện đại, tình trạng nóng lên toàn cầu đã khiến các vùng nước ngọt bị ấm lên, từ đó mất khả năng giữ oxy.

Song song đó, nhiệt độ thúc đẩy sự phân hủy các chất dinh dưỡng trong dòng chảy bởi vi khuẩn nước ngọt. Quá trình này cũng góp phần “ngấu nghiến” oxy.

Mô hình hóa những gì xảy ra trong quá khứ dựa trên các dữ liệu địa chất thực tế còn lưu giữ trong trầm tích, các nhà khoa học xác định đó cũng chính là những gì xảy ra ở Trái Đất 550 triệu năm về trước. Khi sự nóng lên toàn cầu tới đỉnh điểm, oxy cũng thấp tới mức khó sống và kết quả là đại tuyệt chủng.

“Giống như tất cả các cuộc đại tuyệt chủng khác trên Trái Đất, cuộc tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên của Trái Đất là do biến đổi khí hậu lớn gây ra. Đó là một sự kiện khác trong danh sách dày những câu chuyện cảnh báo, chứng minh sự nguy hiểm của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại đối với đời sống động vật” – tiến sĩ Evans nhấn mạnh.

Viết một bình luận