18 sự thật lạ lùng về vũ trụ bao la có thể làm bạn ngạc nhiên

Vũ trụ luôn luôn ẩn chứa những điều bí ẩn mà con người chưa khám phá được. Nhưng cũng có những sự thật lạ lùng và thú vị đã được các nhà khoa học phát hiện mà có thể bạn chưa biết.

Dưới đây là danh sách 18 điều thú vị về vũ trụ và không gian có thể khiến bạn bất ngờ.

1. MẶT TRĂNG KHÔNG THỰC SỰ HÌNH CẦU

Không giống như hình cầu tròn vành vạnh mà chúng ta thường quan sát hay chụp được về Mặt Trăng. Vệ tinh tự nhiên của Trái Đất này thực sự không có hình cầu đối xứng mà nó có hình dạng giống như một quả chanh, hoặc một quá trứng.

2. THIÊN HÀ MILKY WAY CỦA CHÚNG TA TỎA RA MÙI VÀ CÓ VỊ

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một đám mây khí và bụi rất lớn nằm ở vị trí trung tâm của thiên hà Milky Way, và đám mây này chứa rất nhiều một hợp chất hữu cơ có tên hóa học là etyl fomat. Và bạn biết gì không, etyl fomat là chất có mùi giống như quả đào khi chín (hoặc mùi rượu rum) và chất này cũng góp phần tạo nên hương vị của quả mâm xôi.

3. MỘT NGÀY TRÊN THỦY TINH KÉO DÀI BẰNG 2 NĂM

Mặc dù Thủy Tinh hoàn thành 1 vòng quỹ đạo bay quanh Mặt Trời trong thời gian 88 ngày, ngắn hơn nhiều so với 365 ngày trên Trái Đất, nhưng nó lại rất chậm chạp trong việc tự quay quanh trục mất khoảng 59 ngày trên Trái Đất.

Hơn nữa, Thủy Tinh có độ lệch tâm quỹ đạo lớn nên phải mất tới 176 ngày trên Trái Đất thì nó mới hoàn thành 1 ngày đêm (tức là từ thời điểm Mặt Trời mọc đến lúc Mặt Trời lặn.

Do đó, nếu coi chu kỳ quỹ đạo 88 ngày của Thủy Tinh bay quanh Mặt Trời là 1 năm trên đó, thì một ngày trên Thủy Tinh kéo dài tận 2 năm. Có vẻ như đơn vị đo ngày và năm trên Trái Đất hoàn toàn bị đảo lộn khi ở trên Thủy Tinh nhỉ.

4. SẼ THẾ NÀO NẾU BẠN ĐANG Ở NGOÀI VŨ TRỤ NHƯNG BỘ ĐỒ BẢO HỘ BỊ RÒ RỈ

Có thể bạn đã gặp đâu đó trong các bộ phim khoa học viễn tưởng cảnh các phi hành gia hoặc người Trái Đất bị phát nổ hoặc đông cứng ngay tức thì khi ở ngoài vũ trụ khi không mặc đồ bảo hộ. Nhưng thực tế thì không hẳn như vậy, phim vẫn chỉ là phim mà thôi.

Nếu trường hợp đó có xảy ra thì thực tế là bạn vẫn có thể sống sót trong vòng vài phút, nhưng cảm giác khi đó thì thực sự không thoải mái chút nào.

Cụ thể, trong 10 giây đầu tiên thì đầu óc bạn vẫn hoàn toàn tỉnh táo bởi cơ thể sử dụng nguồn oxy dự trữ trong máu. Nhưng sau đó, nước trong cơ thể bắt đầu bốc hơi do áp suất khí quyển ở đó gần như bằng không khiến cho da và các mô trên người bạn sưng phồng lên. Trong vòng 1-2 phút tiếp theo, áp suất trong cơ thể nhanh chóng giảm xuống khiến cho các bộ phận bên trong cơ thể bạn bắt đầu tím tái và ch.ảy má.u

5. CHỈ MỘT THÌA VẬT CHẤT SAO NEUTRON CŨNG CÓ KHỐI LƯỢNG BẰNG CÂN NẶNG TẤT CẢ LOÀI NGƯỜI CỘNG LẠI

Sao neutron được hình thành sau khi một ngôi sao lớn đi hết vòng đời của nó và sụp đổ bằng một vụ nổ siêu tân tinh. Các neutron được nén rất chặt trong một thể tích rất nhỏ, đến mức chỉ cần một thìa vật chất của nó cũng có thể nặng bằng khối lượng của toàn bộ loài người trên Trái Đất.

6. VỤ NỔ TIA GAMMA CÓ THỂ PHÁT RA NĂNG LƯỢNG MẠNH NHẤT TRONG TOÀN VŨ TRỤ

Trong vũ trụ này theo các nhà khoa học, không gì có thể so sánh được với sức mạnh năng lượng được giải phóng trong một vụ nổ tia gamma. Để cho dễ hiểu thì một vụ nổ gamma giải phóng năng lượng trong 10 giây có thể ngang bằng với năng lượng của Mặt Trời phát ra trong suốt quá trình từ lúc sinh ra đến khi hoại diệt.

Các nhà khoa học vũ trụ cho rằng các vụ nổ tia gamma xảy ra trong quá trình hình thành nên hố đen qua những vụ nổ siêu tân tinh hoặc khi các ngôi sao neutron hợp nhất.

7. CÓ NHIỀU NGÔI SAO MÀ NHÂN LOẠI KHÔNG THỂ QUAN SÁT ĐƯỢC

Vũ trụ đang ngày càng giãn nở ra với tốc độ siêu nhanh kể từ khi vụ nổ Big Bang cách đây hơn 13 tỷ năm đến giờ vẫn chưa dừng lại, thậm chí vũ trụ còn đang giãn nở với tốc độ ngày càng nhanh hơn.

Chính vì thế, các khoảng không gian trong vũ trụ ngày càng mở rộng, khoảng cách giữa các thiên hà, các thực thể ngày càng nơi rộng. Những ngôi sao trong thời kỳ đầu hình thành vũ trụ giờ đây đã biến mất khỏi tầm quan sát của con người. Và dù trong tương lai công nghệ có phát triển, các loại kính viễn vọng được nâng cấp thì cũng phải chấp nhận một sự thật rằng, con người không bao giờ có thể quan sát hết được vũ trụ.

8. SỰ TỒN TẠI CỦA HỐ TRẮNG

Ngày 10/04/2019, lịch sử ngành khoa học vũ trụ thế giới ghi một dấu ấn quan trọng khi con người lần đầu tiên chụp được ảnh hố đen – quái vật vũ trụ – một trong những bí ẩn vũ trụ hấp dẫn nhất cho đến nay bằng kính viễn vọng Chân trời sự kiện.

Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có hình ảnh nào ghi nhận về sự tồn tại của hố trắng – người anh em khác biệt hoàn toàn với hố đen.

Nếu nói rằng hố đen là một thực thể có lực hấp dẫn mạnh đến mức ánh sáng cũng bị nó hút vào thì hố trắng lại có đặc điểm hoàn toàn ngược lại đó là không bất cứ một thứ gì có thể chui lọt qua nó. Và tất nhiên, hố trắng cho đến nay vẫn chỉ là một giả thuyết của giới khoa học mà chưa hề có bất kỳ một minh chứng nào cho sự tồn tại của nó.

9. MỘC TINH SỞ HỮU TỪ QUYỂN LỚN NHẤT HỆ MẶT TRỜI

Từ quyền (trong tiếng Anh có nghĩa là magnetosphere) chính là vùng không gian xung quanh một hành tinh chịu ảnh hưởng bởi từ trường của chính hành tinh đó. Với kích thước khổng lồ của Mộc TINH, nó cũng có từ quyển lớn nhất trong Hệ Mặt Trời.

Để làm một phép so sánh đơn giản thì dù Mộc Tinh ở xa hơn Mặt Trăng gấp 1500 lần khi nhìn từ Trái Đất, nhưng từ quyển của của Sao Mộc nếu quan sát được từ Trái Đất còn lớn hơn rất nhiều kích thước của Mặt Trăng khi nhìn từ Trái Đất.

Tuy nhiên sự tương tác giữa từ quyển của Mộc Tinh và gió Mặt Trời tạo ra vành đai phóng xạ nguy hiểm bao xung quanh hành tinh này có thể gây hại cho bất kỳ thứ gì đến gần nó.

10. KỂ TỪ KHI ĐƯỢC PHÁT HIỆN, HẢI VƯƠNG TINH MỚI CHỈ BAY HẾT 1 VÒNG QUANH MẶT TRỜI

Hải Vương Tinh là hành tinh thứ 8 được phát hiện ra trong Hệ Mặt Trời vào năm 1846. Chu kỳ quỹ đạo của nó bay xung quanh Mặt Trời kéo dài đến 165 năm thời gian trên Trái Đất. Do đó, kể từ khi được phát hiện cho đến nay, nó mới hoàn thành duy nhất 1 vòng quỹ đạo bay quanh Mặt Trời vào năm 2011.

Hải Vương Tinh.

Một thông tin thú vị khác là Sao Diêm Vương được phát hiện vào năm 1930 đến nay còn chưa kịp hoàn thành một vòng quỹ đạo bay quanh Mặt Trời mà đã bị “phế truất” xuống làm hành tinh lùn. Quỹ đạo của hành tinh lùn Diêm Vương bay quanh Mặt Trời kéo dài đến 248 năm thời gian trên Trái Đất.

11. CÓ RẤT NHIỀU HÀNH TINH “CÁI BANG” TRONG VŨ TRỤ NÀY

Các nhà khoa học Trái Đất đã ước tính có khoảng 200 tỷ hành tinh không hề quay xung quanh bất kỳ một ngôi sao nào. Chúng không có quỹ đạo mà trôi lang thang vô định trong vũ trụ bao la

12. MỖI GIÂY, MẶT TRỜI NHẸ ĐI 1 TỶ KG

Gió Mặt Trời chính là nguyên nhân khiến nó mất đi 1 tỷ kilogram khối lượng trong mỗi giây trôi qua. Cho những ai chưa biết thì Gió Mặt Trời chính là luồng hạt chứa điện tích được giải phóng từ vùng thượng quyển của Mặt Trời.

Tuy nhiên, so với khối lượng khổng lồ của Mặt Trời lên đến 1,9891 × 10 mũ 30 kg thì sự mất đi này cũng chưa nhằm nhò gì, và tuổi thọ của Mặt Trời có thể kéo dài khoảng 5 tỷ năm nữa.

13. NHIỀU NGÔI SAO TRONG VŨ TRỤ KHÔNG HỀ ĐƠN LẺ NHƯ MẶT TRỜI

Mặt Trời của chúng ta chỉ một trong số ít những ngôi sao cô đơn khi đứng một mình. Có tới hơn 1 nửa các ngôi sao trong Dải Ngân Hà thuộc về một hệ sao nào đó – gồm các ngôi sao bay quanh một quỹ đạo nhất định. Các hệ sao phổ biến được biết tới như hệ sao kép hoặc hệ sao ba.

14. TRÁI ĐẤT KHÔNG PHẢI NƠI DUY NHẤT CÓ NƯỚC

Các nhà khoa học đã phát hiện ra nước có tồn tại trong không gian, cụ thể là tìm ra nước bao quanh một hố đen với thể tích gấp 140000 tỷ lần thể tích nước có trên Trái Đất. Khoảng cách từ Trái Đất đến hố đen này dài đến 12 tỷ năm ánh sáng.

Hơn nữa, các nhà thiên văn học cũng từng nghiên cứu và cho rằng một số mặt trăng của Thổ Tinh và Mộc Tinh có thể có nước. Cụ thể, lượng nước chứa trong đại dương của Mặt Trăng Europa thuộc Mộc Tinh có thể gấp hai lần lượng nước có trên Trái Đất.

15. TRẠM VŨ TRỤ QUỐC TẾ ISS ĐANG RƠI

Khoảng cách giữa Trạm vũ trụ quốc tế ISS so với mặt đất chỉ vào khoảng 408 kilomet, tức là vẫn nằm trong vùng chịu tác động của trọng lực Trái Đất. Nó đang rơi với tốc độ bằng tốc độ bay quanh Trái Đất nên không bị đâm sầm xuống bề mặt Trái Đất.

Có thể hình dung là trạm ISS đang trượt dọc theo đường cong của Trái Đất và đó cũng là nguyên nhân khiến các phi hành gia trôi bồng bềnh giống như không có trọng lực bên trong trạm.

16. MỘT NGÀY TRÊN TRÁI ĐẤT ĐANG NGÀY CÀNG BỊ KÉO DÀI

Có thể bạn chưa biết Trái Đất đang ngày càng có tốc độ quay quanh trục chậm hơn, điều này khiến một ngày trên Trái Đất ngày càng dài hơn. Tuy nhiên điều này diễn ra cũng rất chậm chỉ vào khoảng 0,15 giây mỗi năm, tương đương với 0,0015 giây mỗi ngày.

17. MẶT TRĂNG NGÀY CÀNG XA TRÁI ĐẤT

Mặt Trăng ngày càng dịch chuyển ra xa khỏi Trái Đất với khoảng cách 3,8 cm mỗi năm. Theo giả thuyết của các nhà khoa học, đến một ngày nó sẽ không còn là vệ tinh tự nhiên của Trái Đất nữa, và điều này sẽ gây ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu trên Trái Đất.

18. SỨC NÓNG TỪ VỤ NỔ BIG BANG VẪN CÒN ĐẾN NGÀY NAY

Bức ảnh cho thấy bức xạ nền vi sóng vũ trụ (CMB) – sức nóng từ vụ nổ Big Bang, vẫn tồn tại trên Trái Đất.

Khoảng 380 nghìn năm sau khi vụ nổ Big Bang diễn ra, những bức xạ còn sót lại vẫn còn tồn tại đến ngày nay, và chúng được gọi là bức xạ nền vi sóng vũ trụ (CMB). Đây cũng chính là những bằng chứng lớn nhất cho giả thuyết về vụ nổ hình thành nên vũ trụ cách đây hơn 13 tỷ năm này.

Viết một bình luận