Bất ngờ với lượng rác mà con người đã để lại Sao Hỏa sau nhiều năm phóng tàu thám hiểm lên đây

Tính đến năm 2022, con người đã thực hiện 14 cuộc thăm dò bằng robot tự hành trên hành tinh đỏ. Ngoài ra, các tàu quỹ đạo và tàu vũ trụ cũng đã di chuyển đến hành tinh này từ năm 1971.

Qua một thời gian dài hoạt động vì sứ mệnh, hầu hết các tàu thăm dò, robot tự hành và các vật thể hỗ trợ nghiên cứu khác đều nằm lại sao Hỏa. Chúng không đủ nguyên liệu và bệ phóng để quay trở lại Trái Đất, hành tinh mẹ và cũng là nơi chúng được sinh ra.

Chính vì thế mà theo chân những hành trình khám phá của con người, hành tinh đỏ đang dần biến thành bãi rác công nghệ. Mối lo âu này bắt đầu khi các nhà khoa học thông qua Perseverance tìm thấy những mảnh vật liệu bị thải bỏ trong quá trình hạ cánh của chính nó. Tất cả những mảnh vỡ phần cứng và phần mềm này có thể sẽ gây nên ảnh hưởng trực tiếp đến tầng địa chất của hành tinh và tạo ra sai khác trong các nghiên cứu mẫu vật thu thập được.

Cagri Kilic, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Tây Virginia đã cố gắng ước tính khối lượng rác thải trong vào 50 năm qua của con người trên hành tinh đỏ, chúng rơi vào khoảng 7.119 kg. Thông tin này mới được trang Newsweek của Mỹ thông báo vào ngày 21/9 vừa qua.

Cách tính của Cagri Kilic là cộng khối lượng của tất cả phương tiện đã từng phóng đến sao Hỏa (9.979 kg) và trừ đi cân nặng của các phương tiện đang hoạt động trên bề mặt hành tinh này (2.860 kg). Hiện nay trên Hỏa tinh chỉ còn robot tự hành Perseverance và người bạn đồng hành của nó cùng một người anh em khác ở bán cầu ngược lại.

Kể từ khi sứ mệnh đầu tiên được thực hiện, đã có 18 vật thể nhân tạo tồn tại trên sao Hỏa. Chúng chủ yếu là các robot tự hành, máy bay không người lái và robot thăm dò bằng radar. Theo Văn phòng Liên hợp quốc về Hoạt động Vũ trụ (UNOOSA), kể từ đó đến nay đã có nhiều vụ phóng và đáp tàu thành công cũng như thất bại. Trong đó có nhiệm vụ đưa một vật thể đáp xuống sao Hỏa diễn ra năm 1971, khi trạm đổ bộ Mars 2 của Liên Xô đâm vào hành tinh đỏ và bị hỏng. Đó chính là mở đầu cho cuộc hành trình khám phá vô tận của nhân loại.

Các mảnh vỡ từ các cuộc đổ bộ sẽ nằm lại cả ở ngoài tầng khí quyển và vành đai bao quanh sao Hỏa. Chúng là những mẩu vật liệu trôi dạt và rải rác, tương tự như tình trạng trên bề mặt hành tinh. Cho dù tàu con thoi có đổ bộ thành công hay không thì chúng vẫn tạo ra những linh kiện bỏ đi, bao gồm dù và bộ phận chống va đập khi hạ cánh.

Có thể phân loại những linh kiện đó theo ba nguồn như sau: phần cứng bị loại bỏ, phương tiện không hoạt động và phương tiện rơi xuống sao Hỏa. Phần cứng bị loại bỏ là các vật liệu bên ngoài robot có dạng nón bằng kim loại nhằm bảo vệ chủ thể bên trong khi đổ bộ xuống mặt đất. Phương tiện không hoạt động là những robot tự hành đã mất tín hiệu liên lạc như Oppy, robot Opportunity và Spirit của NASA. Phương tiện rơi xuống sao Hỏa là những tàu vũ trụ ngoài hành tinh, kết thúc sứ mệnh quan sát và đều lần lượt ngủ yên trên lớp cát đỏ vô tận.

Kilic cho biết: “Rất khó để nắm được số lượng mảnh rác trung bình của từng phương tiện vì mỗi chiếc có những đặc điểm riêng. Vì vậy, tổng khối lượng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có thể nói rằng tàu vũ trụ rơi xuống bề mặt sẽ tạo ra nhiều rác hơn.”

Trong tương lai các nhà khoa học sẽ phải xem xét về vấn đề hạn chế các mảnh vỡ tối đa. Quá trình hạ cánh có thể sẽ loại bỏ một số mảnh module để từ từ giảm ma sát trong việc hạ độ cao đáp đất. Nó cũng giống với cơ chế tách bỏ dần từng lớp khi phóng vệ tinh hay tên lửa. Toàn bộ tấm chắn nhiệt và dù sẽ hoàn toàn vỡ ra và văng xa đáng kể trong gió sao Hỏa.

Trong khi đó, phương tiện bị rơi có thể cháy rụi hoặc chạm đất với tốc độ cực lớn và khiến các mảnh vỡ văng ra nhiều hướng. Những cơn bão cát tháng 3 trên sao Hỏa có thể quấn chúng đi cách xa điểm ban đầu đến hàng cây số. Nếu không cẩn thận, các robot đổ bộ sau có thể sẽ nhầm tưởng những mảnh rác này là chất liệu đặc biệt gì đó trên hành tinh đỏ.

Hiện nay, Perseverance đang thu thập mẫu vật để mang về Trái Đất. Đôi khi nó cũng chụp được những tấm ảnh về các mảnh vật liệu cứng rơi ra trong quá trình nó hạ cánh. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng để loại bỏ đi phiền toái này và đưa ra các mệnh lệnh cụ thể hơn đối với Perseverance.

Họ cũng đang phải đối mặt với những hoài nghi khi đã có một số lo ngại rằng rác sẽ làm ô nhiễm môi trường và phá hủy hệ sinh thái tự minh của hành tinh hoặc vướng vào mẫu vật mà robot thu thập.

Tuy nhiên, Cagri Kilic khẳng định: “Nhóm chuyên gia mẫu vật tại NASA đang theo dõi các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm nhằm đảm bảo tính nguyên vẹn cho mẫu vật thu thập. Tôi tin rằng việc rác gây ô nhiễm và vướng vào robot ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, đó vẫn là một nguy cơ”

Viết một bình luận