Các nhà khoa học bất ngờ phát hiện một Siêu Trái Đất ở rất gần có khả năng sống được

Kính thiên văn Subaru của Nhật Bản mới đây đã phát hiện ra một Siêu Trái Đất chỉ cách Trái Đất của chúng ta chỉ vỏn vẹn 37 năm ánh sáng, nằm trong vùng có khả năng sống được của sao lùn đỏ.

Đây là phát hiện quý giá đầu tiên được hỗ trợ bởi một công cụ mới lắp đặt trên Kính thiên văn Subaru của Nhật Bản đặt tại đảo Hawaii (Mỹ). Phát hiện này cũng mở ra nhiều hy vọng cho nhân loại trong việc tìm kiếm sự sống trên các hành tinh xa xôi.

Như chúng ta đã biết, khoảng ¾ các ngôi sao trong Dải Ngân Hà của chúng ta là các sao lùn đỏ, chúng có kích thước nhỏ hơn Mặt Trời và xuất hiện nhiều ở các vùng gần Mặt Trời. Chính vì thế, các nhà khoa học thiên văn đã đặt trọng tâm vào các ngôi sao này để tìm kiếm dấu hiệu tồn tại sự sống ngoài hành tinh.

Tuy nhiên, vì sao lùn đỏ thường có nhiệt độ thấp hơn các ngôi sao khác nên chúng tỏa ra ít ánh sáng hơn khiến cho việc quan sát của các nhà khoa học qua kính thiên văn gặp nhiều trở ngại.

Nhưng việc quan sát các sao lùn đỏ có thể dễ dàng hơn với sự hỗ trợ của bước sóng hồng ngoại, do đó các thế hệ kính thiên văn đời mới như James Webb có thể quan sát chi tiết các sao lùn đỏ hơn. Các nhà khoa học tại Trung tâm Sinh vật học Thiên văn Nhật Bản đã phải gắn thêm một thiết bị quan sát hồng ngoại lên đỉnh của Kính viễn vọng Subaru để quan sát rõ hơn khu vực các ngôi sao lùn đỏ.

Thiết bị được lắp đặt có tên là IRD (Infrared Doppler), là một máy đo quang phổ NIR độ phân giải cao được cầu tạo bằng sợi quang, giúp quan sát được các bước sóng hồng ngoại từ 0,97 đến 1,75 micro mét ở độ phân giải quang phổ tối đa lên đến 70.000.

Vùng màu xanh lá mờ bao quanh ngôi sao lùn đỏ mô phỏng cho vùng có khả năng sinh sống được – nơi mà nước có thể tồn tại trên bề mặt các hành tinh ở đây. Quỹ đạo của Siêu Trái Đất Ross 508 b có màu xanh lam hình elip giao cắt với vùng màu xanh lá cây mờ làm rấy nên hy vọng về sự sống nơi đây.

Với sự hỗ trợ của thiết bị này, kính viễn vọng Subaru đã phát hiện được Siêu Trái Đất có khối lượng gấp 4 lần hành tinh xanh của chúng ta. Siêu Trái Đất này quay xung quanh ngôi sao lùn đỏ có tên Ross 508 thuộc chòm sao Serpens và chỉ cách Trái Đất khoảng 37 năm ánh sáng.

Siêu Trái Đất này được đặt tên là Ross 508 b năm ở rìa bên trong của vùng có khả năng sinh sống được quanh ngôi sao lùn đỏ Ross 508. Một năm trên Siêu Trái Đất này chỉ bằng 11 ngày trên Trái Đất. Điều thú vị còn nằm ở chỗ quỹ đạo của hành tinh này có hình elip vì vậy phần nào đó hành tinh sẽ nằm trong vùng có khả năng sinh sống được – nơi mà các điều kiện phù hợp để có nước tồn tại trên bề mặt của nó.

Tuy nhiên để thực sự biết trên Siêu Trái Đất này có nước hay không thì các nhà thiên văn học cần thêm nhiều thời gian quan sát và nghiên cứu.

Việc phương pháp quan sát mới với sự hỗ trợ của thiết bị như IRD giúp tìm ra Siêu Trái Đất này đã mang đến nhiêu hy vọng về việc con người có thể khám phá ra những nơi có tồn tại sự sống ở ngoài hành tinh. Giáo sự Bun’ei Sato của Học viện Công nghệ Tokyo phụ trách chương trình nghiên cứu này chia sẻ rằng thiết bị IRD đã phát triển được 14 năm và sẽ tiếp tục được đầu tư nghiên cứu để quan sát, tìm kiếm những Siêu Trái Đất tương tự như Ross 508 b trong tương lai.

Viết một bình luận