Choáng với nơi y hệt Trái đất ở hành tinh khác, có thể sống được

Những bức ảnh gây choáng váng từ tàu vũ trụ NASA cho thấy các khe núi ở bán cầu Nam của hành tinh đỏ – thứ chỉ có thể được “chạm khắc” bởi dòng nước dạt dào.

Theo tờ Space, đó là những hình ảnh được tàu NASA chụp từ sao Hỏa, hành tinh mà cơ quan vũ trụ này luôn tin rằng có sự sống – ít nhất là các dạng sống cổ đại đã tuyệt chủng.

Một “thế giới sự sống” tiềm năng khác đang mở ra trước mắt các nhà khoa học ở hành tinh bí ẩn này – theo nghiên cứu mới, dẫn đầu bởi nhà khoa học hành tinh James Dickson từ Viện Công nghệ California (Caltech).

Những khe núi bí ẩn ở bán cầu Nam của sao Hỏa, giống hệt cảnh quan Trái đất
Những khe núi bí ẩn ở bán cầu Nam của sao Hỏa, giống hệt cảnh quan Trái đất – (Ảnh: NASA).

Phân tích dữ liệu về các khe núi bí ẩn được phát hiện từ năm 2000, nhóm khoa học gia Caltech nhìn nhận đó thực sự là những con kênh, được hình thành giống như những gì xảy ra ở thung lũng khô hạn thuộc Nam Cực, tức được “chạm khắc” bằng những con sông băng tan chảy.

Chúng là lời gợi ý rằng nước đã từng chảy trên sao Hỏa, và đôi khi vẫn còn chảy.

Việc chúng đã hình thành theo cách nào là một câu hỏi lớn thú vị. Chúng tồn tại ở độ cao mà nước lỏng không được mong đợi xuất hiện với điều kiện khí hậu hiện tại của sao Hỏa, vốn quá lạnh và loãng để nước lỏng tồn tại lâu, nhất là ở trên cao.

Nghiên cứu trước đây từng gợi ý các khe núi này có thể không phải rãnh nước theo kiểu ở Trái đất, mà do sương giá carbon dioxide thăng hoa đẩy đá vụn trượt xuống dốc tạo thành.

Kịch bản mà các nhà khoa học Caltech chú trọng hơn là việc một dòng nước mạnh trong quá khứ đã tạo nên chúng.

Mô hình 3D họ phát triển cho thấy đúng là nước đã làm điều đó, được thúc đẩy bởi sự chuyển động của trục sao Hỏa, làm mặt đất nghiêng đi và tác động mạnh đến khí hậu cũng như ảnh hưởng đến các dòng chảy.

Hiện tượng carbon dioxide thăng hoa đúng là đã xuất hiện trong giai đoạn biến đổi khí hậu đó, khiến bầu khí quyển sao Hỏa dày đặc hơn, giúp nhiệt độ bề mặt tăng lên và nước tồn tại được ở dạng lỏng, chảy khắp hành tinh.

Những điều kiện này có thể lặp đi lặp lại trong những năm qua, với lần gần nhất mới chỉ 630.000 năm trước.

Điều này có nghĩa khi quỹ đạo của sao Hỏa tiếp tục thay đổi với trục thay đổi độ nghiêng – điều vẫn xảy ra với Trái đất, chậm rãi qua hàng triệu năm – thì nước lỏng có cơ hội xuất hiện trên đó lần nữa.

Như vậy, không chỉ sự sống quá khứ có cơ hội lộ diện ở đó mà một dạng sống tương lai cũng có thể được ra đời khi nước quay trở lại.

Theo tiến sĩ Dickson, điều này cho thấy nếu muốn tìm kiếm bằng chứng về sự sống thì những khe núi này chính là mục tiêu tốt.

Viết một bình luận