Mặt Trăng có thể đã hình thành chỉ trong vài tiếng, dù kích thước ngang 1/4 Trái Đất?

Hiểu biết về cách thức và thời gian mà Mặt Trăng hình thành giúp các nhà khoa học có thêm góc nhìn mới về sự vận hành của vũ trụ cũng như hành tinh Trái Đất của chúng ta.

Từ hàng tỷ năm trước, khi Trái Đất va chạm với một hành tinh có kích thước gần bằng Sao Hỏa có tên là Theia đã tạo ra vô số mảnh vỡ và bụi đất đá xung quanh Trái Đất. Những mảnh vỡ này trải qua thời gian bồi tụ đã tạo nên Mặt Trăng. Cú va chạm này cũng chính là nguyên nhân khiến Trái Đất nghiêng 23,5 độ.

Nhưng đó cũng chỉ là một giả thuyết về sự hình thành Mặt Trăng được nhiều người đồng tình, còn quá trình thực tế diễn ra như thế nào vào thời quá khứ xa xôi ấy thì vẫn là một bí ẩn.

Khoảng thời gian mà Mặt trăng hình thành

Tiếp nối giả thuyết đó, nhiều nhà khoa học cho rằng các mảnh vỡ từ vụ va chạm đó trải qua một thời gian dài nhiều năm hoặc nhiều tháng đã hợp nhất và hình thành nên Mặt Trăng bay xung quanh Trái Đất. Tuy nhiên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters mới đây đã đăng tải một báo cáo cho rằng Mặt Trăng có vẻ như đã hình thành chỉ vài tiếng ngay sau đó.

Tác giá của bài báo cáo này đang làm việc tại NASA đã cảm thấy vô cùng thích thú khi nhìn thấy kết quả từ quá trình chạy mô phỏng việc hình thành nên Mặt Trăng. Và ông cũng tin tưởng rằng phát hiện này đã mở màn cho những nghiên cứu mới về cách mà Mặt Trăng hình thành.

Mô phỏng của NASA về nguồn gốc hình thành Mặt trăng.

Theo NASA cho biết thì công nghệ mô phỏng trong lần thử nghiệm này rất tiên tiến, mang đến độ phân giải cao hơn bất kỳ lần mô phỏng nào trước đó về quá trình hình thành Mặt Trăng. Ở những lần mô phỏng trước với độ phân giải thấp, rất có thể nhiều chi tiết đã bị bỏ qua về vụ va chạm khiến các nhà khoa học chưa có đầy đủ thông tin để đưa ra kết luận chính xác.

Vì sao vật chất trên Mặt Trăng và Trái Đất giống nhau

Để thực sự hiểu về cách Mặt Trăng hình thành, các nhà thiên văn học đã ứng dụng nhiều kiến thức tổng hợp liên quan đến quỹ đạo, khối lượng, phân thích mẫu vật để có những thông tin phù hợp nhất với Mặt Trăng mà con người biết đến ngày nay.

Trước đây, các giả thuyết đưa ra có thể lý giải khá hợp lý về việc vì sao Mặt Trăng lại có kích thước, khối lượng và quỹ đạo bay quanh Trái Đất như thế. Nhưng câu hỏi về việc vì sao thành phần của Mặt Trăng lại rất giống với Trái Đất thì vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Thông qua xác định đồng vị vật chất của đất đá từ Mặt Trăng với Trái Đất, các nhà khoa học nhận thấy chúng vô cùng giống nhau, đồng thời rất khác biệt so với mẫu đá thu thập từ các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời như Sao Hỏa. Chính điều này đã củng cố cho giả thuyết Mặt Trăng được hình thành từ một phần vật chất của Trái Đất.

Mặt trăng được hình thành chỉ trong vòng vài giờ sau cú va chạm.

Nếu theo giả thuyết vụ Trái Đất va chạm với hành tinh Theia khiến hành tinh này vỡ vụn kết hợp với chút ít vật chất vỡ ra từ Trái Đất khiến hình thành nên Mặt Trăng, thì thật đáng kinh ngạc khi Theia cũng có vật chất quá giống với Trái Đất – một giả thuyết rất khó xảy ra. Do đó, có thể giải thích rằng lượng vật chất vỡ ra từ Trái Đất để hình thành nên Mặt Trăng nhiều hơn hẳn so với vật chât của hành tinh Theia.

Có một số giả thuyết khác về sự tương đồng vật chất giữa Trái Đất và Mặt Trăng đó là Mặt Trăng hình thành từ vòng xoáy mảng vỡ đất đá bị tách ra từ Trái Đất và Theia sau vụ va chạm, nhưng giả thuyết này lại mâu thuẫn với quỹ đạo Mặt Trăng hiện tại.

Chính vì thế, báo cáo đưa ra giả thuyết về việc Mặt Trăng được hình thành chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã đưa ra lời giải đáp thuyết phục cho cả hai vấn đề còn nhiều băn khoăn phía trên. Đồng thời nó cũng thúc đẩy những cách thức mới để khám phá nhiều bí ẩn vũ trụ khác.

Giả thuyết mới này giúp lý giải về việc vì sao Mặt Trăng có quỹ đạo nghiêng và lớp vỏ mỏng. Nhưng để biết được sự thật đằng sau đó thì các nhà khoa học cần tiến hành phân tích các mẫu vật thu thập từ Mặt Trăng ở các lớp vỏ sâu hơn, sau đó so sánh dữ liệu phân tích với dữ liệu trong kịch bản mô phỏng để có được câu trả lời thuyết phục nhất cho quá trình hình thành và phát triển của Mặt Trăng từ xa xưa đến nay.

Thấu hiểu Trái Đất thông qua khám phá về Mặt trăng

Như đã nói ở đầu, sự hiểu biết rõ hơn về Mặt Trăng sẽ mở ra nhiều góc nhìn mới về quá trình hình thành và phát triển vũ trụ mà đặc biệt là hành tinh xanh của chúng ta. Nhiều đồng tác giả của bản báo cáo trên đều cho rằng sự tiến hóa trong hàng tỷ năm của Trái Đất sẽ sớm được khám phá nếu giả thuyết mới về Mặt Trăng được chứng minh.

Nghiên cứu Mặt trăng giúp con người hiểu thêm về Trái Đất

Trong vũ trụ rộng lớn này sẽ xảy ra rất nhiều các vụ va chạm, nó dường như là một điều không thể thiếu để loại bỏ đi những gì đã cũ và hình thành nên những thực thể mới với những điều kiện mới.

Biết đâu đó một ngày, khi vụ va chạm giữa Trái Đất và hành tinh Theia được vén màn rõ ràng, nhân loại sẽ hiểu sâu sắc về việc sự sống đã nhen nhóm hình thành trên Trái Đất như thế nào suốt hàng tỷ năm qua.

Viết một bình luận