Vệ tinh quan sát lớn nhất thế giới Envisat đột nhiên mất tín hiệu

Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết họ đã mất liên lạc với Envisat – vệ tinh quan sát lớn nhất thế giới – từ ngày 8/4.

Vệ tinh quan sát lớn nhất thế giới Envisat, được ESA phóng lên quỹ đạo Trái đất vào tháng 2/2002, đã đột nhiên mất tín hiệu liên lạc với trạm điều khiển mặt đất Kiruna ở Thụy Điển. Nhóm kỹ sư điều khiển và các nhà khoa học của ESA vẫn đang cố gắng thiết lập lại liên lạc với vệ tinh này.

Ảnh mô phỏng vệ tinh Envisat của Cơ quan vũ trụ châu Âu

“Sau 10 năm hoạt động, vệ tinh Envisat đã ngừng gửi dữ liệu về Trái đất. Tín hiệu cuối cùng chúng tôi nhận được từ vệ tinh Envisat là vào ngày 8/4.  Hiện tại, các kỹ sư điều khiển sứ mệnh đang cố gắng thiết lập lại liên lạc với vệ tinh”, Cơ quan vũ trụ châu Âu thông báo.
Mặc dù chưa biết nguyên nhân tại sao Envisat mất liên lạc hay hệ thống nào trên vệ tinh này bị hỏng, nhưng ESA khẳng định cho đến nay vệ tinh nặng 8 tấn này vẫn đang ở quỹ đạo ổn định.

Theo Daily Mail, vệ tinh Envisat ban đầu được dự định sẽ hoạt động trên quỹ đạo Trái đất trong 5 năm, nhưng nó đã kéo dài gấp đôi sứ mệnh dự kiến. Trong 10 năm hoạt động, vệ tinh đã quay 50.000 vòng quanh quỹ đạo Trái đất và gửi về hơn 2.000 bức ảnh.

Với 10 thiết bị cảm biến radar và quang học hiện đại nhất, vệ tinh Envisat có thể quan sát và theo dõi sự thay đổi đất, khí quyển, đại dương và các tảng băng lớn trên Trái đất vào ban ngày cũng như ban đêm.

Dữ liệu của vệ tinh Envisat cung cấp cũng được sử dụng trong 4.000 dự án khoa học ở 70 quốc gia khác nhau, bao gồm các dự án nghiên cứu về biến đổi khí hậu và xây dựng mô hình phát tán phóng xạ trên biển sau thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.

Theo VietnamNet

Viết một bình luận