Cực quang màu hồng, hiện tượng cực hiếm trong tự nhiên!

Một vết nứt tạm thời trong từ trường Trái Đất đã tạo ra các cực quang màu hồng hiếm gặp trên bầu trời phía bắc Na Uy.

Cực quang xuất hiện trên Trái Đất chủ yếu là do gió Mặt Trời gây ra, khi các hạt năng lượng tích điện từ Mặt Trời xuyên qua từ quyển, từ trường của Trái Đất, nơi thường dừng các tia vũ trụ. Tuy nhiên, ở hai cực, từ quyển thường yếu hơn các nơi khác, điều đó đã cho phép các hạt gió Mặt Trời xuyên qua bầu khí quyển.

Chúng không có xu hướng di chuyển quá xa, thường đạt đến độ cao nơi có nhiều nguyên tử oxy, bị ion hóa và kích thích bởi các hạt mang điện từ Mặt Trời và thường phát ra màu xanh lục. Tuy nhiên, lần này, một cơn bão Mặt Trời dữ dội đã tạo ra một khoảng trống trong từ quyển, và các hạt Mặt Trời có thể đi xuống sâu hơn bình thường, chạm tới các nguyên tử nitơ ở phía dưới. Đến lượt mình, những nguyên tử này lại tạo ra một vầng sáng màu hồng.

Cực quang màu hồng, hiện tượng cực hiếm trong tự nhiên! - Ảnh 1.
Trái Đất của chúng ta có vô vàn những điều kỳ diệu, những quang cảnh hùng vĩ hiếm thấy, và một trong số đó phải kể đến hiện tượng cực quang, tạo ra một bầu trời đêm đầy ánh sáng huyền diệu.

Hiện tượng hiếm gặp được phát hiện bởi một nhóm khách du lịch do Markus Varik, hướng dẫn viên du lịch từ công ty du lịch Greenlander có trụ sở gần Tromsø ở Na Uy dẫn đầu. “Các vầng cực quang đặc biệt này xuất hiện vào khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương và kéo dài trong khoảng 2 phút”, Varik nói với Live Science qua email.

Varik cho biết thêm: “Đây là những cực quang màu hồng mạnh nhất mà tôi từng thấy trong hơn một thập kỷ dẫn đầu các chuyến du lịch. Đó là một trải nghiệm đầy thú vị”.

Vết nứt trong từ quyển của Trái Đất cũng cho phép các cực quang xanh mạnh xuất hiện suốt đêm, Varik nói thêm.

Cực quang màu hồng, hiện tượng cực hiếm trong tự nhiên! - Ảnh 2.
Bắc cực quang và Nam cực quang chỉ được thấy ở những vùng vĩ độ cao do tác động của từ trường Trái Đất. Những chùm sáng được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của Trái Đất. Cực quang đôi khi cũng xuất hiện ở những vùng có vĩ độ thấp hơn nếu trên mặt trời xảy ra bão lớn, tao ra số lượng cực lớn các hạt điện tích và những hạt này bay đến được bầu khí quyển Trái Đất.

Lỗ hổng trong từ quyển đã đóng lại khoảng 6 giờ sau khi nó mở ra lần đầu tiên. Trong thời gian này, một dải ánh sáng xanh kỳ lạ cũng xuất hiện trên bầu trời phía trên Hồ Tornetrask ở Thụy Điển, nơi nó treo lơ lửng trên bầu trời khoảng 30 phút, theo Spaceweather.com. Nó được chụp bởi nhiếp ảnh gia Claudio Comi, người làm việc cho một công ty lữ hành khác ở Lapland, Thụy Điển.

Cực quang màu hồng, hiện tượng cực hiếm trong tự nhiên! - Ảnh 3.
Về màu sắc, cực quang có thể có màu xanh lá, màu đỏ, màu xanh nước biển hoặc là tổng hợp của tất cả các màu trên. Và khi nhìn vào màu sắc chúng ta có thể đoán được độ cao sinh ra dải cực quang tương ứng

Tuy nhiên, các chuyên gia không chắc liệu dải sáng xanh bất thường này có phải là loại cực quang hay không, bởi nó chưa từng thấy trước đây.

Quan niệm về cực quang khác nhau tùy theo các vùng miền và dân tộc. Người Vikings nghĩ rằng cực quang là sự phản chiếu chiếc áo giáp của Nữ thần chiến tranh Valkyries trong thần thoại Bắc Âu. Còn người Eskimos ở Greenland thì lại cho rằng cực quang có liên quan tới cái chết.

Theo người Indians ở Bắc Mỹ, cực quang là ánh sáng từ các đám lửa trại ở phía xa về phương Bắc. Vào thời Trung cổ, cực quang báo hiệu điềm xấu về chiến tranh hoặc dịch bệnh, ví dụ như bệnh dịch hạch. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, chúng ta biết rằng cực quang là hiện tượng ánh sáng xảy ra do các phân tử năng lượng cao từ các cơn gió Mặt trời tương tác với từ trường Trái Đất.

Vì cực quang được sinh ra do tương tác của các cơn gió Mặt Trời với từ trường Trái Đất, nên bạn có thể quan sát cực quang dễ dàng ở các vùng gần hai cực, cả cực Bắc và cực Nam của Trái Đất. Ở phía Bắc, người ta gọi cực quang là Aurora Borealis, tức là Ánh sáng phương Bắc. Aurora là tên của nữ thần Rạng đông, còn “boreal” có nghĩa là “phía Bắc” trong tiếng Latin. Ở bán cầu Nam, cực quang được gọi là Aurora australis (theo tiếng Latin có nghĩa là “phía nam”).

Hiện tượng cực quang xảy ra theo chu kỳ của Mặt Trời và thường xảy ra vào cuối mùa thu và đầu mùa xuân (chúng ta có thể quan sát hiện tượng này nhiều hơn vào tháng 10, tháng 2 hoặc tháng 3). Xung quanh vòng cực Bắc (vĩ độ 66 độ 33 phút Bắc) ở Bắc Na-uy và Alaska, bạn có thể quan sát được cực quang hầu hết tất cả các buổi tối. Về phía Nam, tần suất xuất hiện cực quang giảm dần. Tại phía Nam của Alaska, Nam Na-uy, Scotland và Vương quốc Anh, cực quang có thể xuất hiện từ 1 đến 10 lần mỗi tháng. Gần biên giới Mỹ – Canada, bạn có thể quan sát cực quang 2 đến 4 lần mỗi năm. Và, chỉ một đến hai lần mỗi thế kỉ, cực quang sẽ xuất hiện tại Nam Mỹ, Mexico và vùng gần xích đạo.

Nguồn: Earthlymission; Nature; NASA; Rarehistoricalphotos

Viết một bình luận